Cao tốc TP.HCM – Chơn Thành
Cao tốc TP.HCM – Chơn Thành, thông qua cuộc họp ban ngành giữa các đơn vị liên quan từ 3 địa phương TPHCM – Bình Dương – Bình Phước. Theo đó, lãnh đạo các địa phương đã đạt được sự thống nhất về nguyên tắc, phương thức, kế hoạch và quy mô đầu tư xây dựng tuyến đường.
Thông tin Cao tốc TP.Hồ Chí Minh – Chơn Thành
Quy mô dự án dự kiến đường cao tốc TP.HCM – TP.Thủ Dầu Một – Chơn Thành sẽ có tổng chiều dài khoảng 70 km. Trong đó, đoạn qua TP.HCM dài khoảng 2 km (dự kiến kết nối với đường Vành đai 2, tại nút giao thông Gò Dưa, TP.Thủ Đức).
Đoạn qua tỉnh Bình Dương dài 60 km, qua tỉnh Bình Phước dài hơn 7 km, dự kiến dự án cũng sẽ được mở rộng kết nối Campuchia, đường cao tốc được thiết kế 6-8 làn xe.
Mục đích thực hiện dự án đường cao tốc TP.HCM – Chơn Thành là rất cần thiết để kết nối TP.HCM với các tỉnh miền Đông Nam bộ và Tây Nguyên, bởi hiện nay những trục đường chính từ Bình Dương đến Bình Phước và các tỉnh Tây Nguyên vào dịp lễ, Tết đã có dấu hiệu quá tải.
Tiến độ Cao tốc TP.Hồ Chí Minh – Chơn Thành
Hiện nay dự án đang được Bộ Giao thông vận tải giao Ban QLDA đường Hồ Chí Minh lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Được Bộ GTVT đánh giá, tuyến đường cao tốc này phù hợp quy hoạch chi tiết đường và quy hoạch mạng lưới đường bộ cao tốc Việt Nam.
Phương án dự kiến cao tốc TP.Hồ Chí Minh – Chơn Thành
Bộ GTVT đã giao Ban QLDA đường Hồ Chí Minh lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Do đó, các chuyên gia tư vấn đang xem xét ba phương án thiết kế đường cao tốc.
Phương án 1: Tuyến bắt đầu tại Bình Chuẩn và kết thúc tại Chơn Thành (hướng tuyến Mỹ Phước – Tân Vạn). Theo quy hoạch, dự án có tổng chiều dài 55,6 km, tổng mức đầu tư 33 nghìn tỷ đồng.
Phương án 2: Tuyến bắt đầu tại nút giao An Phú và kết thúc tại Chơn Thành (đi theo tỉnh lộ 743, 745). Theo kế hoạch, tổng mức đầu tư của dự án xấp xỉ 27,5 nghìn tỷ đồng.
Phương án 3: Tuyến bắt đầu tại Bình Chuẩn và kết thúc tại Chơn Thành (dọc hành lang đường sắt quy hoạch TP.HCM – Lộc Ninh). Theo quy hoạch, đường cao tốc có tổng chiều dài 55,9 km, tổng mức đầu tư 21,6 nghìn tỷ đồng.
Mạng lưới hạ tầng giao thông tỉnh Bình Phước thời gian gần đây đã có những bước bứt phá mạnh mẽ, để trở thành một trong những tỉnh nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Ý nghĩa của CT TP.Hồ Chí Minh – Chơn Thành
Việc kết nối trực tiếp đường cao tốc với các đường Vành Đai 2, đường Vành Đai 3 của Thành phố Hồ Chí Minh có ý nghĩa quan trọng, tạo động lực phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh Bình Phước, tỉnh thành lân cận tuyến đường và Thành phố Hồ Chí Minh nói chung.
Với hàng loạt dự án hạ tầng sẽ được triển khai trong thời gian tới, Bình Phước chứng tỏ sức hấp dẫn với những chính sách và hoạt động đầu tư được kỳ vọng sẽ theo đuổi trong tương lai. Hiện các phương tiện đi từ TP.HCM đến tỉnh Bình Phước theo Quốc lộ 13 qua TP.Thủ Dầu Một (Bình Dương) phải di chuyển khoảng 120 km.
Theo nhiều chuyên gia, đường cao tốc TP.HCM – Bình Phước sẽ giúp rút ngắn được rất nhiều thời gian di chuyển so với trước và là điều kiện cần để kết nối TP.HCM với các tỉnh miền Đông Nam Bộ và khu vực cao nguyên miền Trung. Giúp hoàn chỉnh mạng lưới kết nối vùng đến miền Đông và Tây Nguyên, đảm bảo phát triển kinh tế địa phương.
Thông tin mới nhất về đường cao tốc TP.HCM – Bình Phước
Tách đoạn qua tỉnh Bình Phước thành dự án độc lập
Theo thông tin từ Bộ Giao thông vận tải (GTVT), UBND tỉnh Bình Phước đã có văn bản thống nhất và gửi đề nghị tới Thủ tướng Chính phủ về việc tách một đoạn đường dài 7,1 km trên địa phận của tỉnh, thành một dự án độc lập và triển khai bằng hình thức đầu tư công. Phương án này đã được các địa phương liên quan đồng ý.
Bộ GTVT cũng cho biết thêm rằng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đồng ý sơ bộ với việc bố trí khoảng 5.000 tỷ đồng cho toàn bộ dự án cao tốc TP.HCM – Chơn Thành, trong đó có 1.000 tỷ đồng để hỗ trợ cho đoạn đường 7,1 km trong lãnh thổ tỉnh Bình Phước.
Theo đánh giá việc tách đoạn đường này thành một dự án độc lập sẽ mang lại nhiều lợi ích hơn vì có thể tận dụng nguồn lực từ địa phương tham gia, đồng thời đảm bảo thuận lợi trong việc giải phóng mặt bằng, tái định cư và tự chủ về nguồn cung cấp vật liệu để thực hiện dự án. Đồng thời, điều này cũng sẽ tăng cường hiệu quả tài chính và thu hút đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) đối với đoạn đường qua tỉnh Bình Phước.